Tuyên truyền kỷ niệm ngày di sản Việt Nam 23/11
27/11/2023
Di sản văn hóa Việt Nam bao gồm di sản văn hóa
vật thể và phi vật thể, là tài sản vô cùng quý giá của cộng đồng các dân tộc
Việt Nam trong suốt bề dày lịch sử hàng ngàn năm.
Nhận thức được tầm quan trọng của các di sản văn hóa, ngày
23/11/1945, Chủ tịch Chính phủ Lâm thời Hồ Chí Minh đã ký Sắc lệnh số 65/SL “Ấn
định nhiệm vụ của Đông Phương Bác cổ Học viện” văn bản đầu tiên của Nhà nước ta
về việc bảo tồn di sản văn hóa dân tộc.
Sắc lệnh số 65/SL khẳng định việc bảo tồn cổ tích “là công việc
rất quan trọng và rất cần thiết cho công cuộc kiến thiết nước Việt Nam”; Đông
Phương Bác cổ Học Viện có nhiệm vụ bảo tồn cổ tích trong toàn cõi Việt Nam,
thay thế cho Pháp Quốc Viễn Đông Bác cổ Học viện bị bãi bỏ; giữ nguyên các luật
lệ về bảo tồn cổ tích đã có trước đây; cấm phá hủy những đình, chùa, đền, miếu
hoặc những nơi thờ tự khác, những cung điện, thành quách cùng lăng mộ chưa được
bảo tồn, những bi ký, đồ vật, chiếu sắc, văn bằng, giấy má, sách vở có tính
cách tôn giáo hay không, nhưng có ích cho lịch sử mà chưa được bảo tồn.Sắc lệnh
số 65/SL đã phản ánh những tư tưởng, quan điểm rất cơ bản, sâu sắc của Nhà nước
ta đối với việc bảo tồn di sản văn hóa, cho đến nay vẫn giữ nguyên ý nghĩa lý
luận và thực tiễn, soi sáng cho sự nghiệp bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn
hóa của đất nước.
Sau Sắc lệnh số 65/SL, ngày 29/10/1957, Thủ tướng Chính phủ
đã ban hành Nghị định số 519-TTg “Về bảo vệ di tích lịch sử và danh lam thắng
cảnh” giúp bảo vệ những di tích quan trọng nhất của đất nước. Pháp
lệnh Bảo vệ và sử dụng di tích lịch sử và danh lam thắng cảnh do Hội đồng
Nhà nước công bố ngày 4/4/1984 cũng đã chứng tỏ sự quan tâm của Đảng và Nhà
nước đối với công tác giữ gìn di sản văn hóa của dân tộc.
Luật Di sản Văn hóa được Quốc hội khóa X thông qua tại kỳ
họp thứ 9 và có hiệu lực từ ngày 1/1/2002 là cơ sở pháp lý cao nhất nhằm bảo vệ
và phát huy giá trị di sản văn hóa ở Việt Nam. Trong Luật Di sản Văn hóa,
lần đầu tiên các di sản văn hóa phi vật thể đã được đưa vào.
Nhằm động viên các tầng lớp xã hội tham gia tích cực vào sự
nghiệp bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa dân tộc, ngày 24/2/2005, Thủ
tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 36/2005/QĐ-TTg về việc lấy ngày 23/11 hàng
năm là “Ngày Di sản Văn hóa Việt Nam”.
Tại hội nghị Văn hóa toàn quốc năm 2022, Tổng Bí thư Ban chấp
hành trung ương Đảng Nguyễn Phú Trọng cũng đã khẳng định: “ …quan tâm hơn nữa
đến việc bảo tồn, tôn tạo và phát huy các giá trị văn hóa dân tộc, các giá trị
văn hóa vật thể và phi vật thể của các vùng, miền, của đồng bào các dân tộc,
kết hợp với tiếp thu tinh hoa văn hóa của thời đại. Phát triển "sức mạnh
mềm" của văn hóa Việt Nam, góp phần nâng cao sức mạnh tổng hợp quốc gia
trong thời gian tới... Đó là một tài sản vô cùng quý báu do Tổ tiên, Cha ông ta
mấy nghìn năm để lại, không phải nơi nào cũng có được; chúng ta có trách nhiệm
phải giữ gìn, trân trọng và phát huy.”./.
Minh Khởi VHXH